Chiều 8/1, tại trụ sở Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) thành phố Hà Nội, đã diễn ra Hội nghị giao ban liên ngành giữa NHCSXH với các Tổ chức Chính trị xã hội (CTXH) gồm Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Thành đoàn để đánh giá công tác ủy thác cho vay năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo Chi nhánh NHCSXH và 4 Hội đoàn thể, trưởng, phó phòng chuyên môn.
Theo đánh giá của ông Đặng Đức Hạnh – Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH thành phố Hà Nội: Năm 2024, Chi nhánh NHCSXH và các Tổ chức CTXH thành phố Hà Nội đã khắc phục khó khăn, tiếp tục phối hợp triển khai có hiệu quả công tác uỷ thác cho vay; tích cực giải ngân các chương trình tín dụng chính sách phục vụ người dân bị ảnh hưởng của dịch bệnh khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn Thành phố.
Trong năm 2024, doanh số cho vay các chương trình ủy thác qua TCCTXH đạt 7.202 tỷ đồng với trên 114.800 lượt khách hàng vay vốn, tăng 1.895 tỷ đồng so với năm 2023. Doanh số cho vay tập trung chủ yếu các chương trình: Cho vay giải quyết việc làm 6.446 tỷ đồng, Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn 675 tỷ đồng, Hộ nghèo về nhà ở 29,9 tỷ đồng… Doanh số thu nợ đạt 4.792 tỷ đồng, chiếm 66,5% doanh số cho vay.
Đến 31/12/2024, tổng dư nợ ủy thác qua các Tổ chức CTXH đạt 16.554 tỷ đồng, chiếm 99,9% tổng dư nợ; dư nợ ủy thác tăng 2.410 tỷ đồng so với đầu năm, với trên 270 nghìn khách hàng còn dư nợ tại 7.075 Tổ TK&VV, dư nợ bình quân đạt gần 61 triệu đồng/khách hàng.
Thông qua các chương trình tín dụng chính sách đã giúp cho gần 115 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố Hà Nội được vay vốn tại NHCSXH, trong đó có 22 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn; cho vay giải quyết việc làm cho 58.034 lao động; hỗ trợ vốn cho 27.544 hộ gia đình xây dựng mới, cải tạo 55.088 công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; giúp cho vay 118 lượt HSSV được vay vốn trang trải chi phí học tập; hỗ trợ cho vay 100 lượt người chấp hành xong án phạt tù; 602 lượt hộ nghèo, cận nghèo để xây dựng, sửa chữa nhà ở theo Nghị quyết số 14/NQ-HĐND của HĐND Thành phố và 62 lượt khách hàng vay vốn để xây mới, sửa chữa nhà để ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP.
Tăng trưởng dư nợ nhưng chất lượng tín dụng ủy thác luôn được NHCSXH và các TCCTXH quan tâm, củng cố và duy trì. Nợ quá hạn ủy thác qua TCCTXH đến 31/12/2024 là 2.643 triệu đồng, chiếm 0,016% tổng dư nợ ủy thác. Toàn Thành phố có 13 quận, huyện, thị xã không có nợ quá hạn và 532/579 xã, phường, thị trấn không có nợ quá hạn.
Các TCCTXH đã chủ động xây dựng Kế hoạch kiểm tra ngay trong tháng 01/2024, bố trí lãnh đạo, cán bộ chuyên trách thực hiện kiểm tra theo Kế hoạch. Kết quả trong năm 2024 đã triển khai kiểm tra 103 lượt đơn vị cấp huyện, 103 lượt đơn vị cấp xã, 203 Tổ TK&VV và 516 khách hàng vay vốn. Qua tổng hợp kết quả kiểm tra giám sát, về cơ bản các TCCTXH cấp huyện, cấp xã đã thực hiện tốt vai trò quản lý nguồn vốn tín dụng chính sách, hồ sơ liên quan đến công tác ủy thác được theo dõi, cập nhật kịp thời, các hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, đúng mục đích xin vay. TCCTXH các cấp đã phối hợp với NHCSXH nhập Kế hoạch kiểm tra và kết quả kiểm tra trên hệ thống theo quy trình quy định, tạo điều kiện thuận lợi trong công tác tổng hợp, theo dõi, nắm bắt và chỉ đạo hoạt động tín dụng ủy thác của TCCTXH cấp trên.
Phương thức ủy thác cho vay đã huy động lực lượng toàn xã hội tham gia vào việc triển khai tín dụng chính sách xã hội, chuyển tải có hiệu quả vốn ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng, sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả kinh tế, xã hội. NHCSXH Thành phố đã phối hợp với TCCTXH các cấp và cơ quan liên quan thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền như giới thiệu về các chương trình cho vay mới, hiệu quả của tín dụng chính sách sau hơn 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP, về chính sách giảm lãi suất các chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2023 của Chính phủ …
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Giám đốc NHCSXH Thành phố Đặng Đức Hạnh đề nghị trong năm 2025, Chi nhánh NHCSXH và các TCCTXH Thành phố tiếp tục tăng cường công tác phối hợp; thực hiện tốt công tác đối chiếu, phân loại nợ; phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ Hội nhận ủy thác trong việc theo dõi, quản lý, đôn đốc, củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV; đồng thời tăng cường chỉ đạo, kiểm tra giám sát của TCCTXH các cấp đối với việc thực hiện tại cơ sở, nhất là tại các đơn vị có chia tách, sáp nhập cấp thôn, cấp xã để kịp thời phát hiện, chấn chỉnh những sai sót, tồn tại, nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác cho vay; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, triển khai kịp thời các chủ trương chính sách của Nhà nước, nhất là tuyên truyền các đối tượng đặc thù được vay vốn từ nguồn ngân sách Thành phố theo Nghị quyết số 21/2024/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân, các gương cán bộ Hội đoàn thể, Tổ trưởng Tổ Tiết kiệm và vay vốn tiêu biểu, mô hình sử dụng vốn điển hình sử dụng vốn có hiệu quả… để tạo sức lan tỏa đến mọi tầng lớp nhân dân từ đó phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm của hội viên và người dân trong việc vay vốn, sử dụng vốn có hiệu quả và trả nợ đúng kỳ hạn; tiếp tục nâng cao chất lượng công tác bình xét cho vay và tăng cường sự tham gia kiểm tra giám sát của Chính quyền tại cơ sở, của Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố để nguồn vốn cho vay đúng đối tượng, an toàn và sử dụng có hiệu quả.
– Nguồn: https://hanoi.gov.vn/ –